Bảng Nội Dung
1. Cách làm cơm rượu miền Nam
Ủ trong khoảng 3 ngày là được (tùy thời tiết, nóng thì cơm rượu nhanh tới hơn)
1.1 Nguyên Liệu
- 1 kg Nếp ngỗng.
- 16 viên men ngọt (men cơm rượu) lựa men mới
- Lá chuối
1.2 Các bước
Bước 1
Lá chuối mua về rửa lau sạch, để ráo. Gạo nếp vo cho sạch rồi để ráo. Bỏ sấp nước nấu như nấu cơm. Chú ý không nấu quá khô hay quá nhão nha, hơi dẻo hơn xôi 1 chút là ngon nhất
Bước 2
Cơm nếp chín thì xới ra khay dàn thành lớp mỏng cho mau nguội.. Nghiền men cho nhuyễn như bột. Chuẩn bị thố đựng, dùng lá chuối lót dưới đáy. Cơm nếp nguội hẳn thì rắc đều men tán nhuyễn lên mặt cơm nếp. Trộn đều, tránh nát nếp. Lưu ý là chỉ làm việc này khi cơm nếp nguội hẳn không men bị chết
Bước 3
Chuẩn bị sẵn chén nước pha ít muối hột để thoa tay cho khỏi dính. Pha hơi mặn thôi. Bốc một nắm cơm nếp đã trộn men, nặn thành viên nhỏ vừa ăn. Nắm cho thật chặt tay, sau đó quấn lá chuối quanh viên cơm nếp này (để ngăn từng viên khi xếp cùng). Làm lần lượt cho hết cơm nếp
Bước 4
Xếp từng viên cơm nếp vào thố, đậy một lớp lá chuối lên trên rồi đậy nắp thổ, dùng lớp nilon thực phẩm bịt kín thố. Bỏ vào trong lò nướng hay lò vi sóng không bật lò hoặc tủ, miễn kín. Ủ trong khoảng 3 ngày là được (tùy thời tiết, nóng thì cơm rượu nhanh tới hơn). Bạn có thể mở thố ra coi thử sau 3 ngày, nếu có mùi men rượu thơm ngát tỏa ra, viên cơm rượu ngấm mềm, nước rượu tiết ra ở dưới thố
Bước 5
Khi cơm rượu được rồi thì ra lấy hết lá chuối ra, xếp cơm rượu và nước rượu vào thố khác, để cất trong tủ lạnh bảo quản ăn dần. Nếu bạn thích ăn ngọt hơn, thì nấu ít nước đường cho vào cũng được. Chỉ cho vào chén khi mình ăn thôi, ăn tới đâu thì múc ra tới đó. Không cho vào hộp sẽ không để được. 3 ngày là vừa ăn ngọt nhẹ, thơm để thêm 4-5 ngày là mùi sẽ thơm rượu hơn.
2. Cách làm cơm rượu miền Bắc thơm ngọt
2.1 Nguyên liệu và dụng cụ làm cơm rượu nếp
– Gạo nếp: 500 gr ( nếu là nếp cẩm và lứt thì chọn gạo nếp cẩm hoặc gạo lứt nếp).
– Men cơm rượu: 6 gram (khoảng 3 viên).
– Nước, một chút muối.
– Dụng cụ: lọ thủy tinh/sành/sứ (để ủ men cho cơm rượu nếp), nồi, giá nan tre hoặc rổ nhựa lỗ nhỏ, khay, đĩa, rây lọc, …
2.2 Cách làm món cơm rượu nếp
Bước 1: Chuẩn bị nấu cơm
Vo sạch gạo nếp, ngâm khoảng 1 tiếng trong nước lạnh. Sau đó đổ gạo ra một chiếc giá, để cho gạo ráo nước rồi bắt đầu đem đi nấu.
Bước 2: Làm cơm nếp
Trộn đều cơm nếp với một nhúm nhỏ muối trước khi nấu cơm.
Bạn có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để làm chín cơm nếp, dưới đây là 3 cách:
– Cách 1: Đổ cơm nếp lên trong những chiếc nồi hấp 2 tầng (giống như đồ xôi ). Bạn chỉ cần cho nước ở tầng dưới của nồi, đun cho nước sôi, rồi đổ gạo lên tầng trên, đun tầm 30p cho tới khi chín. Hơi nước sẽ làm cơm chín đều mà không lo bị khô hay nhão.
– Cách 2: Nấu lên như nấu cơm thông thường. Bạn đổ gạo vào nồi cơm điện, cho nước lọc vào, nước cao hơn mặt cơm khoảng nửa đốt tay rồi bắt đầu nấu đến khi cơm chín.
– Cách 3: Nấu bằng nồi bình thường như các cụ vẫn hay nấu cơm thời xưa trên bếp củi. Cách làm tương tự như nấu trong nồi cơm điện, nhưng bạn phải chú ý về mức độ lửa và khi cơm sôi phải để ý khuấy đều lên để cơm không bị bén nồi hay bị khê.
Bước 3: Chuẩn bị cơm và men
– Sau khi cơm nếp đã chín, bạn giàn đều ra đĩa hoặc ra khay cho cơm nguội bớt. Sau khi thấy cơm nguội bớt, còn hơi ấm ấm một chút thì mới bắt đầu trộn cơm với men.
– Trong quá trình chờ đợi cơm nguội, bạn bắt đầu đem men ra nghiền. Khi mua men ngoài chợ thì men thường có dạng viên, bạn nghiền nhỏ và lọc bột men qua rây lọc để bột được mịn.
Bước 4: Trộn cơm nếp với men
Cho cơm và men vào trộn đều với nhau. Bạn có thể trộn bằng muỗng hoặc tốt nhất là nên đeo găng tay để trộn cho đều nhất.
Bước 5: Hoàn thành
- Cho cơm đã trộn đều với men vào trong chiếc lọ đã chuẩn bị trước, ép bớt cơm xuống (không cần ép chặt quá, để có không khí cho men hoạt động).
- Cuối cùng đậy một mảnh vải kín mặt cơm (không đậy nắp) và để ủ trong khoảng 3 – 5 ngày.
- Cơm rượu nếp đạt là khi thấy cơm có nước chảy ra, khi ăn có vị ngọt và có mùi thơm đặc trưng của rượu. Bạn có thể bắt đầu kiểm tra từ ngày thứ 2 để biết cơm đạt hay chưa nhé.
Rất dễ cho một công thức cơm rượu nếp ngon tại nhà phải không nào, chúc các bạn thành công!
2.3 Lời khuyên cho bạn
– Cơm rượu càng để lâu cơm sẽ càng cay và đậm vị rượu hơn. Vì thế nếu không muốn cơm lên men nhiều quá thì sau khi cơm đã lên men theo đúng ý thì nên bảo quản trong tủ lạnh và đợi đến ngày Tết Đoan Ngọ thì mang ra thưởng thức.
– Chọn gạo nếp: Bạn có thể dùng nhiều loại gạo nếp khác nhau: nếp trắng thông thường, nếp cẩm,… nhưng để cơm được ngon và đúng với truyền thống các cụ ngày xưa nhất thì nên chọn gạo lứt. Đây là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu mà chưa chưa được xát bỏ lớp cám gạo, vì thế gạo không có màu trắng tinh mà có màu hơi ngà vàng. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe con người.
– Mua men ủ cơm ở đâu: Men ủ cơm rượu hay chính là men rượu, bạn hoàn toàn có thể mua men ở ngoài chợ, trong các quầy hàng bán thực phẩm khô thông thường.
– Cách làm cơm rượu nếp cẩm, cách làm cơm rượu nếp lức cũng tương tự. bạn chỉ cần thay đổi nguyên liệu chính thành cẩm và gạo lức là xong.
3. Cách làm bánh bò với cơm rượu
Thật lạ khi nghe đến cách làm bánh bò cơm rượu. Nhưng đừng hoài nghi gì cả! Món ăn này thực sự sẽ khiến bạn mê mệt đấy!
Bánh bò được biết đến là món bánh dân dã mang hương vị đặc trưng của người dân miền Tây, món bánh được làm nên từ bột gạo, nước, đường và loại men cơm rượu đặc trưng hòa quyện tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Tuy là món bánh dân dã, thế nhưng muốn có mẻ bánh ngon người thợ bánh luôn cần có sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng công đoạn.
3.1 Nguyên liệu
- 100g bột gạo
- 150g bột năng
- 180ml nước lọc
- 150ml cơm rượu (lấy cả cơm rượu và nước cơm rượu)
- 240 ml nước cốt dừa
- 150g đường cát trắng
- ¼ muỗng muối
- 2 muỗng baking soda
3.2 Cách làm bánh bò bằng cơm rượu
Bước 1
Cho cơm rượu và nước cơm rượu, nước lọc vào máy xay sinh tố xay nhuyễn (hoặc có thể dùng muỗng tán nhuyễn cơm rượu).
Bước 2
Cho bột gạo và bột năng đã chuẩn bị vào một cái âu lớn, cho hỗn hợp cơm rượu và dừa xay nhuyễn trộn đều lên. Sau đó đậy kín hỗn hợp lại để ở nơi có độ ẩm và ủ bột trong khoảng 12 tiếng, hoặc để cho đến khi thấy bột đóng váng và sôi tim bột là được.
Bước 3
Cho đường và nước cốt dừa vào một cái tô, cho vào lò vi sóng quay trong khoảng 40 phút. Sau đó lấy hỗn hợp ra khỏi lò, cho hỗn hợp vào phần bột đã ủ, trộn đều lên thành hỗn hợp đồng nhất và ủ tiếp thêm khoảng 2 – 4 tiếng nữa cho đến khi thấy bột sôi tim trở lại.
Bước 4
Cho thêm muối và baking soda vào âu bột rồi trộn đều lên.
Bước 5
Sau khi đã ủ bột xong, bạn chuẩn bị xửng hấp, cho nước ngập khoảng 1/3 xửng rồi để nấu trên lửa lớn cho nước thật sôi để hấp bánh.
Bước 6
Quét một lớp mỏng dầu ăn vào khuôn hấp bánh bò rồi đặt lên xửng. Khi khuôn đã nóng thì cho bột vào hấp. Tùy theo kích thước bánh mà chúng sẽ có thời gian nướng bánh khác nhau. Một số loại khuôn bánh nhỏ có thể chín bánh trong khoảng 3 – 5 phút. Đợi bánh chín thì lấy bánh ra để nguội, làm lần lượt cho đến khi hết bột.
Bước 7
Trong khi chờ mẻ bánh được hấp chín, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện công thức làm nước cốt dừa ăn kèm với bánh bò. Đầu tiên bạn lấy 1 muỗng bột bắp hòa tan với 2 muỗng nước lạnh. Cho 1 lon nước cốt dừa vào trong nồi nhỏ, thêm 2 muỗng đường, ¼ muỗng muối và đổ hỗn hợp bột bắp đã tan vào nấu ở lửa nhỏ. Khuấy nhẹ tay cho phần nước cốt dừa sôi thì tắt bếp.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong công thức làm bánh bò với cơm rượu thật thơm ngon tại nhà. Với công thức làm bánh bò này bạn sẽ có được mẻ bánh bò xốp nhiều rễ tre đúng chuẩn. Hi vọng với chia sẻ trên đây bạn sẽ có thêm món bánh ngon chiêu đãi cả nhà.
Cách làm cơm rượu tại nhà thật đơn giản phải không nào. Trong mùa dịch này, hi vọng các bạn sẽ học được cách làm nhiều món ngon mới. Chúc bạn thành công!